[Review] Kẻ nhắc tuồng- Donato Carrisi

Kẻ nhắc tuồng
~Donato Carrisi~

“Kẻ nhắc tuồng” là cuốn sách tôi để dành cho qua sáu tiếng đồng hồ quá cảnh dài dằng dặc. Kết quả là tôi phải tận dụng luôn bốn tiếng đồng hồ bay còn lại để đọc cho hết cuốn sách này. Thật lâu rồi tôi mới có lại cảm giác như khi đọc quyển “Sự im lặng của bầy cừu”, hồi hộp, mong chờ theo chân tác giả bóc tách từng lớp màn bí mật, nhưng cũng ngần ngại, e dè tiến đến sự thật cuối cùng.

Cuốn sách là tác phẩm đầu tay của Donato Carrisi. Một ngày, ông bỗng quyết định bỏ công việc đang thành công ở hiện tại của mình và ngồi nhà viết một tiểu thuyết trinh thám li kì. Một cuốn sách thật sự kì lạ, nó bẻ ngoặc lối mòn mà tôi nghĩ đã thâm căn cố đế trong dòng trinh thám hiện đại, tạo ra một con đường mới để khiến nó không thể lẫn vào bất cứ cuốn sách nào. Không công nghệ hiện đại trong những cơ quan khoa học, tình báo bảo mật, không những bí mật cổ xưa trong những thánh địa của loài người, thế nhưng câu chuyện đã khiến không ít độc giả sửng sốt, để từ đó trở thành một hiện tượng trinh thám không chỉ của nước Ý.

Cuốn sách bắt đầu với những vụ mất tích liên tiếp của năm bé gái, từ việc biến mất một cách bí ẩn cho đến việc đứa trẻ bị bắt cóc ngay trước mũi cha mẹ chúng. Cuộc điều tra tưởng chừng rơi vào bế tắc thì cũng là lúc sáu cánh tay trái của các nạn nhân được tìm thấy trong khu rừng vắng. Sáu đứa trẻ, thay vì năm và tung tích của đứa trẻ bí ẩn hoàn toàn không có, không thông báo mất tích, không danh tính, thân phận. Nhóm điều tra lúc này buộc phải nhờ đến sự giúp đỡ của một nữ chuyên gia về các vụ mất tích- Mila Vasquez.

Đó cũng là lúc tất cả bắt đầu, các diễn viên đã đứng đúng vào vị trí và sau lưng họ, kẻ nhắc tuồng luôn đứng đó, thì thầm lời thoại cho vở bi kịch chết chóc.

Với tôi, ấn tượng đầu tiên về “Kẻ nhắc tuồng” là một phần mở đầu không quá mới lạ. Motif một chuyên gia được mời đến tham gia điều tra những vụ giết người hàng loạt và phải đối đầu với một tên tội phạm thông minh, điên rồ không còn xa lạ với fan của thể loại trinh thám. Thế nhưng, cảm giác ấy đã nhanh chóng biến mất từ những suy luận đầu tiên của nhóm điều tra. Khi ngành tội phạm học ngày càng phát triển, những nhà điều tra dần sa đà vào việc phân tích tâm lý, hành vi của kẻ phạm tội và phần nào khiến tôi cảm giác họ như một cá thể điên loạn, một quái vật cần phải bị trừng trị. Sự quyến rũ của những bí mật ẩn sau một bộ óc độc ác dẫn đến sự ra đời của hàng loạt truyện, phim xoay quanh vấn đề này. Tuy nhiên, như tôi đã nói ban đầu, Donato đã viết nên một câu chuyện đi ngược với dòng chảy của phần lớn trinh thám hiện đại tôi từng xem.

“Chúng ta gọi chúng là quái vật, vì chúng ta cảm thấy chúng quá xa lạ với mình, nên chúng ta muốn chúng khác biệt”, giáo sư Goran từng nói như thế trong bài giảng của mình. “Ngược lại, bọn chúng hoàn toàn không khác gì chúng ta. Nhưng ta cứ thích chối bỏ suy nghĩ rằng một kẻ đồng loại với mình lại có thể tàn bạo đến thế. Tựa như một sự miễn tội cho bản chất của con người chúng ta. Những nhà nhân loại học gọi đó là “sự giải thể nhân cách tội phạm”, và đó thường là trở ngại chính trong việc nhận dạng một tên giết người hàng loạt. Một con người thì luôn có các điểm yếu và còn có thể bị bắt. Còn một con quỷ thì không.”

Thông qua giáo sư Goran, Donato đem đến cho độc giả một lí luận mới, tuy giản đơn nhưng khác biệt, từ đó mở ra một vở tuồng tàn nhẫn, khơi gợi những góc tối sâu thẳm của những con người. Bí mật nối tiếp bí mật, tựa như chiếc vỏ của búp bê Nga, những tưởng đã đến điểm cuối cùng thì hóa ra vẫn chỉ là vỏ ngoài kì dị.

Đã thật lâu tôi mới có cảm giác rợn gáy như khi đối diện với hình ảnh Hannibal Lecter, kẻ nhắc tuồng của cuốn sách cũng vậy, đứng im lìm phía sau tấm màn phủ và bóc tách lớp mặt nạ dày cộm trên khuôn mặt mỗi nhân vật. Nhưng xin đừng hiểu nhầm cuốn sách chỉ rặt toàn những tấn bi kịch. Tựa như ánh sáng và bóng tối luôn tồn tại song song, chúng ta có thể thấy sau vẻ ngoài đạo mạo là những tâm lý biến dạng, kệch cỡm nhưng cũng đồng thời hiểu được sau vỏ ngoài dữ dội là những yêu thương đẹp đẽ nhất.

Cuốn sách được viết dưới góc nhìn đa chiều, tuy phần lớn vẫn từ góc nhìn của Mila, giúp cho độc giả có sự đánh giá tổng quan nhất về câu chuyện, từ đó dễ cảm nhận được mạch suy nghĩ cũng như tình cảm của số lượng nhân vật đồ sộ. Donato đã khéo léo tạo nên những cung bậc khác nhau cho bản nhạc của chính mình, lúc chùng xuống kéo dài nặng nề nhưng có khi lại căng như dây đàn, dồn dập căng thẳng khiến tôi không tài nào rời mắt khỏi con chữ và phải theo dõi sát sao tâm trạng của những con người vô tình cuốn vào kế hoạch đó. Tác giả đã kiểm soát tốt các nhân vật trong tác phẩm, kể cả khi họ là phụ thì mỗi cá nhân đều có vai trò nhất định, không thừa không thiếu, và sau hàng loạt những ngả rẽ, họ sẽ lại được buộc vào nhau ở nút thắt nào đó như thể chưa từng bị lãng quên. “Gã luôn đi trước chúng ta một bước” chính là câu đề tựa cho cuốn tiểu thuyết trinh thám này và cũng là câu tôi nghĩ diễn tả đúng nhất về nó, không phải chỉ kẻ đứng sau bức màn tối kia đi trước cả những nhà điều tra hay những tên tội phạm mà chính tác giả cũng đã luôn đi trước độc giả một bước, gạt bỏ lí luận của những kẻ hững hờ và buộc họ phải thừa nhận đây là một câu chuyện kì lạ.

Tôi thích cách Donato tung hứng với những cột mốc thời gian của ông, cũng đồng thời thích cách ông gợi mở từng sự kiện. Thỉnh thoảng ông xóa bỏ dòng thời gian, kéo quá khứ lại gần hiện tại, khiến tôi không ít lần lầm tưởng trong phán đoán và cuối cùng phải chịu thua trước sự “tung hỏa mù” này, cay cú có chứ nhưng sau đó càng dính chặt vào quyển sách hơn. Tuy nhiên cách làm này có một nhược điểm nho nhỏ là nếu bạn không thật sự chú tâm vào câu chuyện thì sẽ bị mất dấu một số chi tiết quan trọng bao giờ không hay, thậm chí là có thể cho là nó lộn xộn. Còn với tôi, chính nhược điểm ấy mới chính là điểm thú vị khi đọc một tiểu thuyết trinh thám. Trong “Kẻ nhắc tuồng” kể cả chi tiết nhỏ như những bức thư ngắn giữa Giám đốc nhà tù tối mật với Văn phòng chánh biện lý cũng có giá trị ngang như những sự kiện dài cả chục trang. Hãy chắc là bạn thật sự tỉnh táo khi đọc nó nếu không muốn vô tình để lạc một nút thắt đâu đó trong vài trang giấy.

Tôi đã từng nói với một người bạn về nhận định chung của mình về vài cuốn sách văn học Ý đã đọc. Cho dù văn phong có khác nhau, cho dù không cùng thể loại, họ luôn thể hiện sự nghiêm túc, ẩn ý trong sự không nghiêm túc, bừa bãi. “Kẻ nhắc tuồng” không mang đến một không khí nặng nề đến mức lạnh lẽo, thậm chí đôi khi ta còn thấy sự bỡn cợt của tác giả, nhưng với tôi dưới lòng sông sâu luôn có đá ngầm và sau sự hài hước là một giọng văn châm biếm vào chính chân dung xã hội đầy ám ảnh. Đó không đơn thuần chỉ là một cuộc điều tra những án mạng bí ẩn, đó là bức tranh xã hội với đủ cả gam màu sáng tối. Có người sẽ nghĩ văn học Tây phương nói chung và nước Ý nói riêng chỉ thiên về sự kiện nhưng “Kẻ nhắc tuồng” một lần nữa nhắc cho tôi hiểu, họ đang biểu đạt tình cảm, suy nghĩ qua chính những dòng sự kiện đó, sâu sắc và đĩnh đạc sau vẻ ngoài hời hợt.

Tôi sẽ không nói nhiều hơn về chi tiết cuốn sách này và để dành phần cho những ai vô tình đọc bài viết này và muốn tìm đọc, tự khám phá về bức tranh đầy màu sắc ấy. Lời cuối chỉ là một trích dẫn nho nhỏ của tờ The Guardian của Anh:

“Đố các bạn đoán trước được đoạn kết.”

14 bình luận về “[Review] Kẻ nhắc tuồng- Donato Carrisi

  1. Mình luôn cảm thấy lời văn của các nhà văn phương Tây thiếu cái gì đó, tình cảm một chút, nhẹ nhàng một chút. Đối với Kẻ nhắc tuồng, mình cũng đã từng xem qua trang đầu nhưng có vẻ đây không phải một motif mình thích. Chỉ là sau khi đọc bài cảm nhận của bạn, có lẽ mình phải đi tìm đọc thử thôi. Cảm ơn bạn.

    1. Tất cả là do gu thôi cậu ạ, cậu cứ thử đọc lại một lần nữa xem nếu không hợp thì cũng không sao cả. Cá nhân tớ nhiều lúc cũng không chuộng các tác giả Tây phương lắm vì họ nhiều lúc lạm dụng hành động và tớ thì chẳng đủ tinh tế để hiểu hết :)).Còn văn học Á Đông thì lại chứa quá nhiều nên tớ cũng không hiểu nốt. Cái sự nửa nửa này dẫn đến việc đọc cũng giữa giữa của tớ nên có khi cuốn sách tớ cho là hay thì với người khác cũng chưa chắc. Nhưng tớ rất vui vì sau khi đọc review cậu lại quyết định tìm lại xem, hi vọng nó sẽ không làm cậu thất vọng. 🙂

      Mà chắc cậu biết tớ follow cậu lâu rồi nhỉ? Mấy bữa nay thấy cậu like và follow lại tự nhiên có cảm giác Senpai notices me. *sướng-ing* >_<

  2. À, thật sự là mình chỉ mới biết cậu follow mình gần đây thôi. Vui! Mình không biết nói sao nữa, giống như được đón nhận vào lòng một ai đó vậy.
    Văn học phương Tây hơi khô khan, mình lại là đứa thuộc trường phái nhẹ nhàng lãng mạn nên mấy tác phẩm của Mỹ, Pháp,… mình thật sự cảm thấy hay chỉ đếm trên đầu ngón tay thôi. Đặc biệt rất thích truyện cổ tích của mọi quốc qua trên thế giới và các văn bản trong sgk trích từ những tác phẩm nổi tiếng như Donkihote, truyện ngụ ngôn La Phontaine (xin lỗi nếu mình viết sai tên ông), vân vân và vũ vũ. Không biết cậu đã đọc Hoàng tử bé của Saint Ex- chưa; đối với mình đó là câu chuyện tuyệt vời nhất, khiến mình mãi nhức nhối.
    Gặp được một người yêu sách như cậu thích ghê cơ!
    Năm mới đến rồi. Chúc cậu 2015 thành công, khoẻ mạnh, hạnh phúc, và thực hiện được ước mơ của bản thân. Lời chúc hơi sớm một tí, hì hì.
    Happy new year.

    1. Tớ tình cờ phát hiện ra wordpress của cậu thôi và tớ thì thích Killua lắm lắm lắm luôn nên mới follow. Cơ mà tại cũng ngại nên kiểu lén lút dòm ngó chứ chưa chủ động bắt chuyện bao giờ, xin lỗi cậu nhé. Với lại với Killua tớ có cái kiểu biết mình thích lắm, điểm gì cũng thích cơ nhưng nói ra thì không biết nói làm sao hết, cậu đừng buồn nhé.

      Ý, lại hợp nhau nữa rồi. Cuốn sách tiếng Pháp đầu tiên mà tớ đọc trọn bản gốc chính là Hoàng tử bé ấy, không có cái kiểu hoa mỹ bóng bẩy bị lụy của văn học Pháp, nó đơn giản nhưng lại độc đáo và đẹp thật luôn. Khoe với cậu là tớ có đi thăm căn nhà của Saint- Exupéry rồi ấy, không hiểu sao lúc ấy tớ xúc động ghê gớm luôn. Một câu chuyện đúng nghĩa cứ mỗi năm lại phát hiện thêm 1 điều khác nữa nhỉ? Thật, gặp cậu tự nhiên cảm giác đồng cảm quá ấy. 😀

      Tớ cũng thích những câu chuyện mang tính chất cổ tích, ngụ ngôn, kiểu truyền kì liêu trai ấy, cổ xưa và mang cái cảm giác các bài học hòa quyện vô cùng tự nhiên như một câu chuyện kể trước khi ngủ ấy. Không trầm trọng quá, không nặng nề quá, không bị lụy quá, tự nhiên như hơi thở vậy, chứ bây giờ tớ cứ như đang chết ngộp với nỗi buồn ấy. Thời đại này sách cứ viết về nỗi buồn, cái nỗi buồn sáo rỗng và hàn lâm còn tớ thì quá ngu ngơ để hiểu được cậu ạ. Nếu cậu thích kiểu ấy thì có thể thử đọc bộ ba Tổ tiên của chúng ta của Italo Calvino xem. Cái kiểu nhẹ nhàng, dí dỏm và sâu cay nhưng lại dễ dàng tiếp cận ấy.

      Năm mới chúc cậu một năm thiệt tốt đẹp nha, cái xấu xui rủi gì bay hết đi *phủi phủi phủi phủi* còn niềm vui hạnh phúc tràn đầy nhé.

      Thiệt là rất vui được quen biết cậu đó, 🙂

  3. Cậu thăm nhà Saint rồi!?! *đập bàn* Xin cậu kể cho mình nghe đi, Nó như thế nào vậy? Trời, mình… mình không biết nói làm sao nữa!!! Từ ngữ bay đâu hết rồi!!!! Cậu chóng kể cho mình nghe, nha!!!

    Ý cậu có phải là mấy cái nỗi buồn tình yêu mà Việt Nam Trung Quốc hay viết không? Mình không phải lãng mạn kiểu thích mấy cái ấy cậu ạ. Mình cảm thấy mấy cảm xúc đó cứ lặp đi lặp lại hoài, như con người ta tự nhốt mình vào phòng rồi cảm thấy buồn sầu vậy. Nó đơn điệu và tẻ nhạt quá!
    Cái lãng mạn của mình là sự hoà hợp với thiên nhiên, tình yêu thiên nhiên như trong những câu chuyện thời trung đại. Đặc biệt mấy cái gọi là mối ưu quốc ái dân, nỗi lo thời cuộc khiến mình thấy xúc động nhiều lắm. Rất yêu Truyện Kiều của Nguyễn Du, Bình Ngô đại cáo, Côn Sơn ca của Nguyễn Trãi, Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ,… Nói chung là tất tần tật về thi ca trung đại Việt Nam mình đều thích hết. Mấy tác phẩm đó mỗi lần đọc lại đều thấy nặng lòng lắm lắm. Còn như văn học trẻ Việt bây giờ, mình đã không còn đọc nữa rồi. Rất là yêu văn học nước mình, nhất là mấy câu chuyện của các nhà văn thiếu nhi như Tô Hoài, cụ Nguyễn Tuân, nhà văn Ma Văn Kháng,…

    Bên cạnh đó, cũng đọc qua văn chương của nhiều nước khác. Trung Quốc thì nhiều hơn hẳn. Các tác giả như Thương Nguyệt, Tào Đình, Minh Hiểu Khê, Quách Kính Minh,… đều đọc qua cả rồi, nhưng khó để lại dư âm, và thường các tác phẩm của họ cũng ít tính bao quát của xã hội thời đại. Đặc biệt dõi theo chỉ có Thương Nguyệt và Xương Bồ. Hai tác giả này viết văn phong cổ trang tuyệt vời luôn, một người thì văn chương giàu hào khí, một người thì mang đậm hơi hướng của Đường thi! Nhà văn Mạc Ngôn thì hẳn cậu cũng biết, Cao lương đỏ còn được dựng thành phim cơ mà. Còn những nước khác thì có Người tình Sputnik Haruki Murakami, Rừng Nauy, Ông già Khottabych (Nga), Điệp khúc cơn đói, Chuyện con mèo dạy hải âu bay, Trái tim mách bảo,… Phải nói với cậu sự thật là mình chưa đọc Harry Potter với cả Sherlock Homes nữa đó :(. Ôi đau buồn… Mình sẽ tranh thủ đọc truyện cậu giới thiệu :”>.

    Không biết mình có giống cậu ở điểm nào nữa không? Hihi.

    Về Killua, mình có thể nói gì với cậu về em ấy trong lòng mình đây? Mình không thích em ấy; đó là một loại tình cảm… hẳn không ai có thể hiểu được. Chắc là người ta sẽ cho rằng tình cảm ấy là điên rồ và mình cũng điên không kém. Mỗi lần nghe người ta nói lại cảm thấy tuyệt vọng, nên mãi rồi mình cũng chẳng để tâm nữa. Mình chỉ muốn nói là mình muốn bảo vệ em ấy, làm mọi điều tốt đẹp cho em ấy. Mình muốn thấy em ấy chỉ có hạnh phúc, không có buồn đau. Có rất nhiều rất rất nhiều người bảo rằng thích em, thương em, yêu em ấy, nhưng mà mình luôn tự hỏi, họ thích, họ thương, họ yêu cái gì cơ? Có thể nói thật chắc chắn rằng, yêu cả con người em ấy, dù em ấy trở nên xấu xí, yếu lòng, hay khi em đã có một gia đình êm ấm hay không? Phải chi một ai đó có thể nói thế, nói dối cũng tốt, để mình biết trên thế gian còn người yêu em ấy nhiều như vậy. Vì mình luôn cảm giác, mọi người trong thế giới Hunter chưa có ai toàn tâm toàn ý yêu thương Killua, ngay cả Gon cũng sẽ vì người khác mà thương tổn Killua. Mình cảm thấy bơ vơ cho em… Biết có một người thích em, thích cả con người em ấy như cậu, mình thật sự rất vui. Đọc mấy lời cậu nói, mình chỉ biết cười cười. Giống như lạc vào cõi tiên luôn rồi, mọi thứ đẹp đẽ trước mắt làm mình thấy ngỡ ngàng đến nghẹn lại…

    Cảm ơn cậu nhiều lắm.

    Mình rất vui khi được quen biết cậu. Thật đấy. Muốn nhìn thấy cậu và ôm cậu quá chừng!!!

    1. Tớ có đi vòng ngoài của căn nhà thời thơ ấu của Saint- Exupéry ở Lyon. Đó là một dinh thự lớn cậu ạ, xung quanh bao bởi vườn cây rộng ngút ngàn, nhưng không cảm giác xa hoa mà có cái gì đó êm đềm và mộng mơ như một câu chuyện cổ tích ấy. Lúc tớ thấy căn nhà ấy tớ đã nghĩ đúng là nơi sinh ra của một Hoàng tử bé ấy, trong sáng và thần tiên. Ây dà, ngôn từ tớ hơi hạn chế nên không biết diễn tả sao hết, nhưng cảm giác nó đúng lắm, cứ như Saint-Exupéry là vị hoàng tử bé ấy và sống trên vùng đất lạ kì kia. Suốt bao năm xa nhà thì đó là lúc tớ thấy hạnh phúc nhất trên một đất nước xa lạ ấy cậu ạ.

      Nói sao nhỉ, không hẳn mình vơ đũa cả nắm nhưng cảm giác ngày xưa cái gì người ta cũng giỏi hơn bây giờ cậu ạ, trên tất cả các lĩnh vực luôn ấy nên kiểu bây giờ chỉ đọc để đọc, không phải đọc để cảm như xưa nữa. Nói ra thì mấy năm dạo đây chỉ có sách du kí của Trương Anh Ngọc là tớ thật sự cảm thấy hứng thú, chứ thời đại này mà đến sách du kí cũng bịa được như cuốn Xách ba-lô lên và đi thì cũng chịu luôn TT^TT. Nên tớ phát hiện bây giờ tớ chỉ đọc được văn học trung đại, ngay cả truyện tình cảm ngày xưa cũng lãng mạn và đẹp hơn bây giờ, như Hồn bướm mơ tiên, Nửa chừng xuân của Tự lực văn đoàn ấy dù là tớ không thích truyện tình cảm lãng mạn cho lắm nhưng đọc không bứt rứt, khó chịu như bây giờ. Bây giờ cứ kiểu tình yêu là nhất, tình yêu là vĩ đại vô cùng (dù đúng là nếu đúng người, đúng chỗ thì nó to lớn) mà bỏ qua những mối tình thân khác thì thấy nó biến tướng kiểu gì ấy.

      Thật ra tớ không chuộng văn Trung Quốc cho lắm dù quả thật đọc văn Trung Quốc chắc do gần với Việt Nam nên đọc cũng dễ chịu hơn. Chắc tại vì bây giờ vàng thì ít mà cám thì nhiều, đi ngang qua quầy Trung Quốc mà nản thiệt. Nhưng đúng là tớ có ấn tượng Thương Nguyệt và Xương Bồ thật. Tớ nhớ truyện đầu tiên tớ xem của Thương Nguyệt là Đại mạc hoang nhan, hơi bị bất ngờ luôn vì tớ luôn quan niệm nữ giới không thể thể hiện được tinh thần võ hiệp ấy. Thế mà cô ấy làm được mà còn kết hợp tốt cái chất uyển chuyển của nữ giới vào, cảm giác tuy k phải tốt nhất nhưng là độc nhất. Tớ nhớ hoài hai câu “Tái ngoại mênh mang, ba vạn dặm gió cát” với “Hỏi anh hùng, đâu là anh hùng ấy.”, vì nó mà tớ ấn tượng đặc biệt với cô ấy luôn. Còn Xương bồ thì chắc đa phần ấn tượng Tạ Trường Lưu của cô ấy nhỉ? Còn tớ thì chỉ đặc biệt thích cổ qua Chí dị huyền nghi, chắc là vì tớ thích cái chất cổ xưa, huyền ảo, kì bí và sâu sắc của cô ấy trong đó. Vẫn đang mong chờ cô ấy viết tiếp những phần khác của bộ ấy đấy.

      Tính ra càng nói càng thấy chúng ta hợp nhau nhỉ? 😥

      Tớ thích hầu hết những nhân vật trong HxH (vâng, chỉ ghét mỗi 1 người =.=) thế nhưng arc kiến Chimera tớ có cảm giác vừa thương vừa ghét Gon cay đắng. Khi người ta lớn lên người ta đôi khi buộc phải sa ngã, tớ không trách Gon vì đã để hận thù xâm lấn ý chí như vậy nhưng tại sao sa ngã của cậu ta phải kéo theo Killua cùng? Cái lúc mà Gon thấy Kites giờ thành một con rối sứt sẹo rồi vừa đau đớn vừa phẫn hận thì tớ bực cậu ta phát điên lên được ấy, vì lúc đó đằng sau có một Killua với tâm hồn vỡ nát thành trăm mảnh. Rồi lúc cậu ta dùng hết sức lực, niệm dày đặt để giết con mèo thì cũng chỉ nói lời xin lỗi rồi kệ xác Killua. Ai cũng sử dụng Killua mà chẳng trả lại gì cho em ấy cái gì hết, ngay cả một Gon từng hết sức hết lòng vì ẻm. Ngày xưa coi manga tớ không cảm thấy nhiều thế đâu (do thánh Tô arc đó ẩu quá, khởi đầu tốt nhưng phần còn lại quá tạm bợ, nhất là cứ dây dưa dài dòng chuyện tình của Kiến vua) nhưng lên anime thì staff Madhouse lại giải thích và phát triển nhân vật quá tốt đi, tốt đến mức phát bực ấy. Thiệt là tớ nghĩ chúng ta cũng điên quá rồi ấy nhỉ?

      Hỏi này thì hơi ngại nhưng không biết chúng ta có thể kết bạn không nhỉ? :”>

      1. Cậu hỏi gì thế hả? Vô nhà nhau luôn rồi, chẳng lẽ chỉ là xa lạ sao. Thật là… Sđt fb yahoo zalo mail gì mình cho nhau hết luôn, phải không? :”>

        Đối với Gon mọi người rất quan trọng, quan trọng hơn cả chính cậu. Thế nhưng Killua không được đối xử công bằng như vậy; mình nhìn Gon hết giúp đỡ Zushi rồi quan tâm Kurapika, Leorio,… trân trọng tất cả mọi người, trừ Killua. Mình luôn luôn hỏi cậu ta thế này, Đối với cậu, Killua là gì? Tôi thấy cậu đối với em ấy còn vô tình hơn đối với người xa lạ! Cậu vừa phải thôi chứ! Irish nhớ không, Killua không chỉ bị những người đó “sử dụng”, em còn bị xúc phạm rất nhiều lần. Illumi nói em không có tư cách kết bạn, Morel nói em không còn tư cách chiến đấu như một Hunter, tự bản thân em cho rằng em cũng không còn tư cách sát cánh bên Gon nữa. Tư cách là cái gì? Lúc nói ra những lời vô tình đó, họ có từng nghĩ cho Killua chút nào không? “Hunter là một sinh vật rất ích kỷ”, cũng có nghĩa là họ có tự tôn rất cao, thế tại sao lại dễ dàng nói lời tổn thương lòng tự trọng của Killua như vậy. Đổi lại là họ, họ có chịu nổi không? Nực cười! Killua có tội tình gì mà luôn phải chịu đựng?

        Gon là bạn tốt nhất, không đúng, phải gọi là người bạn tổn thương em nhiều nhất. Về Killua, Gon hiểu được bao nhiêu? Bao nhiêu lần em suýt mất mạng, cậu ta hay biết gì? Gon cứu em khỏi gia tộc, Gon nói chỉ có mình Killua mới khiến cậu ta cố gắng nhiều như vậy, thế thì sao? Những tin tưởng, những yêu quý cậu cho em đó, cậu đều lần lượt lấy lại hết. Trong khi em, từ lúc quen cậu, đều chỉ biết hi sinh quên thân mình. Mình không cần công bằng gì cả, mình chỉ mong Gon quan tâm Killua một chút, thấy em bị thương thì hỏi thăm một tiếng, suy nghĩ xem em ấy sẽ cảm giác thế nào nếu như cậu liều lĩnh. Chỉ cần vậy thôi. Đó đều là những điều con người chúng ta thường gạt bỏ, thấy phiền hà, nhưng với Killua, với một đứa trẻ chưa từng được yêu thương và quan tâm đúng nghĩa, thì…

        Hài, cảm xúc mình đi quá đà rồi. Nói nữa mình lên cơn mất! Điên thật thì cũng tốt rồi, đằng này, mình muốn điên, muốn vô bệnh viện, muốn giết mọi người trong cơn điên dại nhưng mình không làm được (tất nhiên chỉ giết những kẻ thật sự cần giết)!!! Cho mình giết đi, mình sẽ giết Gon Freecss đầu tiên, thật đấy, dù sau đó Killua có quay lại giết mình… Sẽ rất đau, nhưng đau ngắn còn hơn đau dài.

        Mình bệnh thật rồi đấy. Cậu có còn muốn gần mình không?

        Nhà của Saint, nhà của Saint, nhà của Saint, nhà của Saint, nhà của Saint, nhà của Saint… Phải chi mình có thể nhìn thấy được nơi đó. Chắc là sẽ thấy hạnh phúc lắm. Mình tưởng tượng đó là một nơi trong cổ tích ấy. Không biết nơi đó có nàng Hoa hồng ở không?

        Xương Bồ, mình cũng ấn tượng với Tạ Trường Lưu. Đọc truyện của cô ấy làm mình thấy bâng khuâng. Nhưng mình thích Sơn Trung Nhân nhiều hơn… có lẽ cái gì thuộc về ấn tượng đầu tiên đều mãnh liệt và da diết như vậy. Đặc biệt bị nghiện bài thơ Sơn quỷ của Khuất Nguyên:

        “Dường như có người trên góc núi
        Khoát cỏ thơm, lưng thắt dây tơ
        Mắt ngóng nhìn, cười mỉm như mơ
        Dáng thướt tha dịu dàng xinh đẹp…”

        Chí dị huyền nghi mình cũng có đọc, Tương tư môn, Hồng y, sắp tới sẽ tìm Dạ đàm Bồng Lai điếm để nhâm nhi tiếp. Rất thích cách cô đem thơ vào truyện, làm nó bồng bềnh và đẹp thế nào ấy!

        Về Thương Nguyệt, Đại mạc hoang nhan cũng là truyện đầu tiên mình đọc. Mình cảm nhận được không khí cổ trang đậm đà trong truyện, dù thật sự là truyện không xuất sắc. Cái vị mà Thương Nguyệt tạo ra trong truyện của cô rất nồng, không thể lẫn được.

        Mình ít đọc văn học phương Tây. Nhưng lạ một điều là mấy truyện mình tình cờ đọc được đều hay hết. Chiếc lá cuối cùng, Những cô gái nhỏ, Tám mươi ngày vòng quanh thế giới,… Mình đọc từ hồi học lớp 2 luôn, và bây giờ vẫn thường đọc lại.

        Thật ra mình cảm thấy mình thiên về những tác phẩm nghệ thuật, chứ không phải lãng mạn. Chỉ là những truyện từ trước đến nay mình thường đọc đều ngọt, nên mình cảm giác như mình bị dính với thể loại đó. Mình thích những sách nói về văn hoá, nghệ thuật, kỳ quan thế giới… Đại loại thế. Văn học trung đại ngoài truyện thì mình còn đọc thơ, truyện thơ, đặc biệt là văn chính luận. Đọc những luận văn đó làm mình cảm thấy tự hào và phấn khởi lắm. Không biết cậu có thích ca dao không? “Thân em như tấm lụa đào…”, nghe da diết và thân thương vô cùng, nghe từ hồi nhỏ tới lớn luôn. Văn học hiện đại Việt Nam… mình chỉ thấy truyện Cách mạng là hay. Bước đường cùng, Búp sen xanh,… mấy truyện ấy mình không có đọc, chỉ toàn nghe trên đài FM thôi. Mà nghe người ta đọc có một cảm giác lạ lắm cậu ạ, thấm đẫm vào tim luôn ấy…

        Đọc những lời cậu viết, mình vừa cười, vừa thấy mắt cay cay. Mình muốn nói hoài nói hoài nói mãi thôi, vì mình còn rất rất rất nhiều chuyện muốn nói. Xung quanh mình chẳng ai nghe mình cả. Cũng không ai giống mình.

        *Ôm*

        À mà, Irish là gì cậu nhỉ?

  4. Tớ đang ở nước ngoài nên số điện thoại là thua rồi, yahoo thì cũng bó tay với ẻm từ lâu do không tài nào đăng nhập được, chưa xài zalo bao giờ chỉ có skype thôi, skype là địa chỉ wordpress của tớ đó nếu cậu có xài :”>. Còn nếu cậu có hoạt động trên vn-sharing thì nick của tớ là Irish nhé. :”>

    Thật ra là tớ thích iris, tức là hoa diên vỹ ấy cậu ạ. Chỉ là hồi lúc lập nick trên yahoo thời 2005 thì iris có người lấy rồi thế là tớ thêm chữ h vào thành irish, sau đó vẫn có người lấy rồi nên tớ thêm cái ngày tớ lập nick vào là 1/4/2005 thành ra irish142005. Sau đó thì sợ đểnh đoảng hay quên nên tớ lấy mọi thứ tớ đăng kí là cái tên này hết, còn lúc viết fic hay gì đó thì lấy Irish cho gọn thôi. Tóm lại không có sâu xa gì đâu. 😥

    Có gì cứ liên lạc tớ cho dễ tuồng hàng và tâm sự bí mật. =))))))))))))))))))))))))))))

  5. OMG!!!!!! Đến bây giờ mình mới đọc được comment của cậu! Rất rất rất xin lỗi T_T.
    Mình không xài được skype, nên chắc là mình với cậu chỉ có thể comment qua lại thế này được thôi. Mà cũng có sao đâu, nhỉ :)!
    Cậu đang ở nước nào? Bình yên hay được đối mặt với súng đạn bom như ở Iran Irac? Mình đùa thôi :”>. Cậu đang ở nước nào vậy?
    Dạo này mình bị cuốn sách Hannibal “hút” cậu ạ. Và cả phim nữa! Rất là tuyệt vời, mà cũng rất là buồn. Không biết Iris đã xem chưa?

  6. Irish, cậu đâu mất rồi? Sắp đến tết mà mất tích thì sẽ cô độc lắm đấy. Cậu mau trở lại đi nhe, mình muốn nghe cậu nói chuyện quá.
    Mấy ngày nay rãnh rỗi, mình có làm món quà nho nhỏ tặng Killua nhân tết đến đấy! Để khi nào rãnh mình sẽ xuất hàng lên wp để khoe :”>. Dù không được đẹp cho lắm nhưng mà mình thấy rất vui, mỗi lần nhìn món quà đó lại nhớ về em mỉm cười và ấm lòng lắm lắm.
    Không biết hiện tại Killua thế nào. Dạo này rãnh rỗi, mình đang xem lại Hunter cậu ạ. Để tìm những lúc em vui, nhưng cũng khó thật. Muốn bác Tô cho ra truyện tiếp cơ!!!
    Irish đón tết ở nước ngoài luôn hay sẽ về nước? Nhưng dù thế nào cũng chúc cậu năm mới an lành, gặp nhiều cơ hội :).
    P/s: Ở VN ra nhiều sách mới hay lắm :D. Irish về đọc đi! *dụ dỗ*

    1. Xin lỗi cậu, cả tháng nay tớ bận quá mức quy định, bây giờ chính thức được nghỉ đông nên cũng coi như rảnh 1 tẹo *dù là tớ còn 1 đống báo cáo phải hoàn thành nữa*. Cứ đến Tết là đến dịp thi cử với dự án, 4 năm rồi, riết chán đừng hỏi luôn. Năm nào cũng nhớ Tết Việt Nam dữ dội nhưng thôi, riết cũng quen, cuối năm bạn bè tụ lại nấu bữa tất niên là ngon rồi. Nhờ từ ngày qua nước ngoài mà mấy món Tết tự tay làm hết, gói bánh chưng bánh tét nè, rồi giò thủ thịt đông dưa kiệu các kiểu. Bây giờ mà về là thành con đảm ngay luôn. :”>

      Nhưng vẫn bận, bận, bận quá, nhiều lúc ghét cái trường này vô cùng, nhìn tớ mấy bữa nay cứ như zombie, mặt xám ngoét, bọng mắt đen thui, lờ đà lờ đờ. Hồi năm nhất tớ còn thi ngay giao thừa nửa cơ :(((((((((. Hôm qua không phải lúc đang check mail thấy notification của cậu thì tớ cũng quên mất luôn cái wordpress này luôn ấy, xin lỗi cậu nhiều nhiều lắm.

      Tớ hơi bị đánh giá cao HxH phiên bản 2011 ấy, manga đã hay nhưng arc kiến và bầu cử làm có chút ẩu. Nhờ Madhouse mà tất cả được nâng đến cao trào như vậy, từ tình tiết, khai thác tính cách nhân vật, hình ảnh, góc quay, nhạc nhẽo, tớ cứ phải khen tấm tắc cơ TT^TT. Mà tại làm hay quá nên mức độ đau lòng cũng lên một tầm cao mới, rảnh tớ cũng thiệt muốn coi lại quá. Vẫn còn nhớ khúc Killua đánh ngất Gon rồi cắp đi hay đoạn cuối của arc chimera, nát tươm cả lòng mề, làm tuyệt quá cũng có điểm dở he cậu. Mà cậu định làm gì vậy, tớ tò mò đó nha. :”>

      Chẳng phải khi không fan HxH chế giễu thành HiatusxHiatus, thấy bác trở lại mừng húm, ai dè bệnh cũ vẫn như xưa. Thiệt chẳng biết nên yêu thương hay uất hận bác ấy nữa ;A; Câu có bao giờ nghĩ đến kết thúc như tớ không?

      Tớ cũng muốn về lắm, nói sao nhỉ, ở trong chăn mới biết chăn có rận. Tớ đang ở Pháp cậu ạ, tuy chẳng có bom súng đạn nhưng mấy vụ gần đây chắc cậu cũng có nghe nói, cũng xung đột dữ dội dưới đất ngầm rồi. Tóm lại tớ cũng chán chỗ này, nhiều vấn đề khiến tớ ngán nó tận cổ nhưng bỏ hết mà về thì không được nên ráng học hết rồi trở lại Việt Nam thôi. Mà ngộ, đến khi tớ đi xa tít tắp mới biết mình yêu Việt Nam đến mức nào. Năm rồi tớ về nghỉ hè, khi quay lại Pháp cảm giác nó kinh khủng lắm, chưa bao giờ tớ thấy thế trước đây luôn, cứ cảm giác mình đang chui đầu vào miệng cọp ấy. Ây dà, chắc ít người như tớ, được cơ hội đi xa thật xa nhưng lại chẳng cảm giác gì ngoài mệt mỏi. :))))))

      Tớ có đọc Hannibal cậu ạ. Kì thực tớ không thích serie phim mà nhà nhà người người đang phát cuồng lắm. Có lẽ hình ảnh Hannibal đó không phải là Hannibal mà tớ cảm nhận được trong tiểu thuyết, lịch lãm thật nhưng không phải lịch lãm mà tớ thích, điên rồ thật nhưng không phải cái điên rồ tớ cảm nhận được qua Hannibal và thứ trí tuệ quỷ quái đó nữa, nó xa lạ quá. Mà hoặc là vì tớ xem Sự im lặng của bầy cừu trước khi đọc tác phẩm nên hình ảnh của Anthony Hopkins cứ ám mãi trong lòng tớ, kiểu chẳng thể chấp nhận thêm bất kì Hannibal nào nữa. Chết thật ấy >_<. Nhưng đó là một câu chuyện hay, không ai có thể phủ nhận được điều đó phải không nè?

      Hè nào về tớ cũng mua 1 đống :'(.

      1. Đọc được comment trả lời của cậu mình mừng húm!!! XD Từ tháng mười hai tới giờ mình cũng bận bù lu bù loa lên được, cái chữ học nó đè đầu cưỡi cổ không ngóc lên được chút xíu nào. Nhưng giờ cũng đỡ rồi cậu ạ. Mấy hôm trước về quê làm vườn, mình mới hay làm nông dân khổ tới cỡ nào. Làm từ sáng tới trưa toàn việc nặng nhọc mà chỉ được 50k thôi. Cầm tờ tiền trong tay mà mình run run, tự nhiên thấy thương quá. Sáng này mình mới dọn nhà xong này, định là ngày mai làm lạp xưởng, ngày mốt thì nấu bánh tét :”>. Mình ở trong Nam nên ít khi ăn bánh chưng bánh giày lắm cậu ạ. Củ kiệu cũng không nhiều. Có mắm tôm mắm tép thì làm mỏi tay luôn ấy! Cậu giỏi quá, biết làm cả đống món luôn :). Mình chỉ mới học đây thôi.
        Nhiều khi mình tự hỏi mình không biết mình học để làm gì nữa cậu ạ. Mình không có khái niệm về tương lai. Mình cũng không muốn mình vì học hành mà bỏ qua nhiều thứ khác, nên rốt cuộc mình chỉ làm đúng như trách nhiệm của mình thôi (cái này mình học từ Killua đấy :)). Như vậy là đỡ rồi cậu ạ. Nếu mình mà như cậu thì mình bỏ trường trốn về nước mất! Mình tệ quá. Dù sao cũng đã sắp xong rồi phải không cậu. Ráng lên nào! Rồi cậu sẽ lại được đón nắng phương Bắc ấm áp thôi.
        Mình cũng thấy mến bản HXH của Madhouse nhiều hơn, nhưng trong bản cũ lại có nhiều tình tiết thêm vào hay lắm cậu ạ. Nói chung bản nào cũng dễ thương dễ mến. Nhưng chỉ qua bản của Madhouse mình mới hiểu rõ những nỗi đau của Killua, hơn cả khi đọc manga, và tất nhiên hơn cả bản cũ (mình thấy bản này lấy Gon làm trung tâm chứ Killua thì chỉ như bình phong đẹp đẽ thôi cậu ạ. Buồn vì chuyện này nhiều lắm). Nhớ nhất tromg bản mới là lúc em đi lướt qua Canary và nói, rất nhỏ rằng, Tôi đã kết bạn rồi… Mong muốn của Killua chỉ đơn giản có thế thôi. Và thứ hai là ep 61, arc GI, khi em bị một người chơi tấn công, và Gon lo lắng (cậu ta rất lo luôn), thì em chỉ nhẹ bảo, Thôi đừng nghĩ về nó nữa, rồi cười. Coi cảnh này mắt mình cứ cay cay…
        Quà mình cho Killua chỉ có tấm thiệp làm tay thôi. Không được tinh xảo lắm :). Mình đã đăng lên wp rồi ấy. Nếu cậu rãnh thì xem hén.
        Mình luôn nghĩ đến kết cục cậu ạ. Luôn luôn. Chờ mãi chờ hoài chờ tới khi bác Tô tạo ra một kết thúc đoàn viên hạnh phúc cho Killua (và tất cả mọi người). Những càng chờ càng mòn mỏi, càng thấy buồn và thất vong nhiều hơn :(. Nên mình mới viết Chia tay – Khởi đầu cho Killua đó.
        Mình giống cậu :). Mình dẫu muốn nay đây mai đó, nhưng đi rồi mới thấy nhớ quê da diết luôn ấy. Muốn về ngay lập tức. Cái gì đó xa lạ và xô bồ làm mình thấy tủi thân và cô độc khủng khiếp! Có lần bị stress nặng luôn, nhưng rốt cuộc vẫn qua được. Cuối cùng chỉ mong ngày tháng còn lại bình yên bên mảnh đất thân thuộc là tốt rồi ( (cùng với em :)).
        Thật ra mình từng mong được đặt chân lên đất Pháp. Tất cả chỉ vì không khí cũ kĩ và cái lãng mạn của nó. Nhưng rồi nhận ra những thứ mình từng biết về Pháp không phải là tất cả. Cũng buồn rầu, rồi thôi. Nơi xa nhà mình chỉ ước có hai: nơi có Killua và nhà của Saint. Ôi nhà Saint. ;( Mình muốn được đứng trước ngôi nhà, trên cỏ, và trông thấy mấy bụi cây nơi đó.
        Ai~ Mình cũng xem Sự im lặng của bầy cừu do bác Anthony Hopskins đóng trước nhất nhất nhất luôn, rồi cũng bị bác ấy ám mà đi tìm coi các phần còn lại. Rồi thấy không giống lắm, dù trong Sự im lặng của bầy cừu 2 (Hannibal) cũng do bác thủ vai. Phần Rồng đỏ thì mình không xem, chỉ đọc thôi. Các tập Sự im lặng của bầy cừu, Hannibal bản tiểu thuyết cũng mua rồi ngấu nghiến, nhưng yêu thích đã vơi bớt rồi. Mình chỉ yêu mỗi hình ảnh Hannibal trong bản phim đầu tiên mình xem thôi. Biết sao giờ. Bác ấy tuyệt quá, như Hannibal thật sự ấy! Mình phải công nhận là Hannibal là người thứ hai từ đó tới giờ có sức lôi cuốn mạnh mẽ và khắc sâu vào trí óc mình nhiều đến vậy. Mọi cử chỉ, lời nói, hành động của ông ta đều quyến rũ đến kỳ lạ :”>. Thật tuyệt vời!!! Mình sẽ thốt lên câu đó khi nói về Hannibal Lecter.
        Mình cảm nhận được tài năng chết người của ông ấy, nó khiến tất cả mọi người đều phải khâm phục và kính trọng! Kể cả những việc mà ông ta đã gây ra :).
        Mình sẽ kết bạn ngay với cậu ^^.
        P/s: Nói ra thiệt là kỳ nhưng nhớ cậu thật :3.

  7. Mình là một fan của thể loại trinh thám. Mình thấy những cú twist trong câu chuyện là một điểm cộng lớn; truyện đọc khá ám ảnh. Tuy nhiên vẫn có những hạt sạn mà mình thấy cần phải bàn đến.
    1. Phá án là một chuỗi những giả thiết, suy luận; giả thiết 1 kéo đến 2 rồi 3 rồi 4, … ; vì là truyện nên may là 1 đúng kéo theo 2 đúng kéo theo 3 đúng … thế nhỡ nó sai ở đâu thì sao? Nó chẳng được chứng minh thuyết phục bằng một bằng chứng hay suy luận cụ thể nào. Và thật sự, theo quan điểm cá nhân, mình không thích phá án kiểu thế.
    2. Chuyện sử dụng tâm linh hoặc những vật thể phi…chứng cứ vào phá án và suy luận, mình cực kì không thích, ôi đùa, mình đang đọc trinh thám khoa học hay truyện khoa học thần bí tâm linh vậy? Ấy là do mình không thích, chứ mình không nói mấy cái đó nó không thể chấp nhận.
    Nhưng nói đi cũng phải nói lại, tác giả kể hấp dẫn lắm chứ, các tình tiết cuốn hút lẫn nhau, xảy ra dồn dập, bạn nào thích hành động tình tiết nhanh khen hay cái chắc. :)) Rồi đến đoạn kết, hoặc gần kết, những câu chuyện xảy ra bất ngờ quá, những nhân vật với vai trò của họ trong đoạn kết làm mình không ngờ tới. Và kể cả Albert (or Frankie) …

    1. Mình chỉ trả lời dựa trên quan điểm của mình thôi hen.

      1. Thiệt ra lối phá án này không sai, trong giới khoa học đó chính là chuỗi logic giả thiết, suy luận, biện chứng. Nếu 1 đúng có thể kéo đến kết đúng nhưng nếu 1 sai thì như vòng lặp logic, bạn chỉ cần giải lại từ đầu. Phá án cũng như giải một bài toán logic và bất cứ điều gì đều phải xuất phát từ giả thiết và suy luận. Nhiều bài toàn ngay từ đầu đã không có đủ đề bài, thậm chí từ đầu còn không biết chắc là có tồn tại hay đúng sai gì đó không, người ta chỉ có thể thử bằng đưa giả thuyết và tiếp tục, sai thì quay lại từ đầu. Vấn đề là tất cả các loại tiểu thuyết trinh thám đều thế cả kể cả bậc thiên tài trinh thám như Agatha Christie hay những phim nặng hàn lâm như 12 người đàn ông giận dữ. Bao giờ cũng bắt đầu bằng chuỗi lập luận thế cho nên mình không cho là đó là khuyết điểm của tác phẩm, sở dĩ nó không thể bắt đầu bằng 1 cái sai dẫn đến phải lặp lại vì không đủ thời lượng tác phẩm, cũng không thể như một quá trình điều tra thực thụ mà biện kê tất cả được. Nếu nói về vấn đề phá án thì khi đọc hay xem một tác phẩm trinh thám đó là điều buộc phải chấp nhận, còn không nếu muốn chi tiết hơn thì đành phải đến với những vụ án cụ thể mà kể cả có bằng chứng rõ ràng cũng có thể phản bác lại được. Dạo gần đây mình có theo vụ Sophie Le Tan, bạn có thể xem thử xem.

      2. Thiệt ra đọc lâu rồi nên mình cũng không nhớ có sử dụng yếu tố tâm linh không nhưng việc sử dụng vật thể phi… chứng cứ thì mình không chắc lắm là nó sai. Vì thực tế luôn là trong những vụ án ngoài đời chuyện đó cũng không lạ, có những vụ án được giải quyết vì trong quá trình lấy khẩu cung gì đó, người thẩm vấn giỏi có thể cài cắm để lộ những chi tiết có thể giúp phán đoán vụ án. Đó cũng là một dạng phi chứng cứ.

      Truyện không phải không có khuyết điểm, nhiều là đằng khác, hồi đấy đọc những tác phẩm trinh thám kinh điển mình cũng lôi ra đủ thứ sạn nhưng mà lí do mình thích vì nó không đi theo lối mòn của dòng trinh thám của vài năm nay và nó đáp ứng được sự chặt chẽ theo kiểu nào đó. Cám ơn bạn vì đã trao đổi quan điểm với mình. kể ra giờ tìm được người có tâm nhận xét và phán đoán các xạn của một tác phẩm cũng tính là hiếm có ấy. Mình toàn thấy khen hay rồi thôi không hà. :))))))))))

Bình luận về bài viết này