[Oneshot] Controvento

Controvento

Image may contain: plant, flower, nature and outdoor

PHOTOGRAPHED BY IRISH142005

Author: Irish
Genre: Family, Romance
Rating: T
Status: Complete
Summary: Tôi từng nghe bảo tuổi trẻ sẽ qua đi nhưng thanh xuân có thể vĩnh viễn, chỉ cần người ta có niềm tin và sống trân trọng, nồng cháy đến mãi mãi.

—–

Mathias vẫn còn nhớ rõ nơi nó và mẹ sống suốt những ngày thơ ấu. Căn phòng chỉ vỏn vẹn chín mét vuông, nằm sâu trong con hẻm tối khu ổ chuột ngoại ô Milano, vừa tồi tàn vừa thiếu thốn. Mẹ nó, bấy giờ là một nhà thiết kế thời trang không chút tiếng tăm, thường xuyên đem vải vóc, quần áo cũ của khách hàng về may may, sửa sửa, càng khiến không gian vốn chật hẹp thêm lộn xộn, ních đầy. Nó chưa bao giờ thích cái không gian ọp ẹp, nồng nã mùi ngai ngái, thối rục, cũng ghét cay ghét đắng những mảng tường ẩm mốc, chật hẹp, bó buộc hai người bọn họ. Vậy mà qua ngày qua tháng, nó lại nhớ nhung tiếng máy may cũ kĩ dập chỉ đều đều trong đêm, nhớ nhung bóng mẹ cặm cùi dưới ánh đèn lờ mờ, hình ảnh, âm thanh, mùi vị ăn sâu vào từng thớ kí ức, dữ dội nhưng êm đềm. Kì lạ thay đến cùng Mathias chẳng thể từ bỏ được những điều hằng khiến nó bức bối.

Nó chưa bao giờ định nghĩa được mẹ nó. Bà bảo hãy gọi bà là Giacinta thay vì tiếng “mẹ” ngọt ngào kia. Bà cũng bảo giữa họ chỉ là mối quan hệ bạn thân thiết nhất dù bà là người đã mang nặng đẻ đau ra nó. Đôi lúc giữa đô thị ồn ã, Giacinta lại dành chút thời gian rảnh rỗi để kể về quá khứ, về tương lai, về mơ mộng, tham vọng. Rồi những tác phẩm của bà sẽ xuất hiện trên những kinh đô thời trang của thế giới, và những con người kia, bà giương tay chỉ đám đông quần là áo lượt, sẽ diện lên mình những bộ cánh do bà thiết kế với vẻ sung sướng, tự hào. Giacinta nói, chân mang đôi giày cao gót đắt tiền được giữ gìn cẩn thận và vận những thiết kế của bản thân, sải bước trên quảng trường Duomo rộng lớn, với vẻ lấp lánh xuân thì ánh lên trong đôi mắt. Tháng ngày cơ cực chôn vùi trẻ trung của bà, khắc sâu hốc hác, hao mòn.Thế nhưng những lúc này, Mathias lại nhận ra mẹ của nó xinh đẹp thế nào, vẻ đẹp từ lạc quan và kiêu hãnh, sóng gió dậm thêm chín ngọt, càng khiến nhan sắc ấy mặn mà.

Giacinta cũng kể về ngày xưa, khi nó hỏi chuyện, không chút che giấu. Bà bảo gia đình bà mở một cửa hàng suit thủ công ở Firenze, truyền qua cả trăm năm. Bà sinh ra giữa những thước vải phẳng phiu, láng mịn, giữa tiếng kéo cắt nhịp nhàng và giữa những bộ suit được may đo chuẩn từng centimet. Bao thế hệ và giờ là bà, tự hào với truyền thống đó, suit với gia tộc này không còn là bộ quần áo, đó là cả một tác phẩm nghệ thuật được chăm chút từng đường kim mũi chỉ. Nhưng giấc mơ chưa nở đã chóng bị vùi dập, quy luật bất thành văn của dòng họ, nữ giới dễ dao động, khó có thể tạo những đường nét tinh tế để có thể tiếp nối cơ nghiệp. Ông nó, dẫu yêu thương Giacinta cách mấy, cũng từ chối dạy dỗ và giao cửa hàng lại cho bà.

– Lúc ấy nhỏ tuổi, cái tôi quá lớn lại nông cạn nên ta đã bỏ nhà ra đi, hòng chứng tỏ thứ định kiến ấy là ấu trĩ. Ta đến nhiều nơi, không bao giờ liên lạc với gia đình, tự lấy cái cớ là việc liên lạc quá sức khó khăn. Cuối cùng, một cửa hàng ở Verona đã chấp nhận ta làm người học việc.

Năm năm đó tuy cực nhọc nhưng cũng là bao tháng năm hạnh phúc, sống giữa lịch lãm, hào hoa, tự tay tạo ra những tác phẩm không bao giờ bị dòng xoáy thời trang nhấn chìm. Cuối cùng bao kiên trì của bà được đền đáp, ông chủ cho phép bà tiếp nhận vị khách đầu tiên, kèm theo một thợ may lâu năm để giám sát những bước quan trọng. Và tất nhiên, phải được khách hàng chấp thuận.

Rất nhiều người từ chối ta, bà nói, nhưng điều đó hiển nhiên thôi. Một quý ông luôn hiểu được giá trị thứ họ vận lên người, đó không còn là vấn đề thời gian hay tiền bạc để có thể dễ dàng giao phó cho một thợ may non đời được. Giacinta nản chí, mong muốn xông pha thể hiện nhưng lại liên tục bị từ chối làm bà nghiêng ngả. Bà còn trẻ, còn có một đời nhưng dũng khí tiến bước thì đếm được nhiêu năm?Bà sợ chứ, rất sợ, một người con gái đơn độc tha hương phải đối mặt với vô số thứ điên rồ, nhất là trong thời đại ngổn ngang. Nếu cứ tiếp tục Giacinta sẽ bị vứt bỏ, không nơi trở về cũng chẳng chốn để tới, bà sẽ tàn lụi như biết bao người ngoài kia thôi.

– Và ngài ấy xuất hiện, bảo với ta bất kì ai cũng cần một điểm xuất phát. Khi xưa ngài được trao cơ hội để bắt đầu, nay đến lượt ngài đưa cho ai đó một điểm xuất phát.

Với Giacinta, người đàn ông ấy đem đến không chỉ hi vọng mà còn là mộng ước cả đời thiếu nữ.Nghiêm khắc và thông thái như cha như thầy. Thấu hiểu và đốc thúc tựa bạn bè tri kỉ. Cuối cùng là dịu dàng, lẳng lặng một tình yêu êm đềm.

Giacinta, đó là cha của con sao? Mathias hỏi. Nó khi đó tám tuổi, chẳng rõ điều gì, chỉ là trong quan niệm thơ dại, hai người yêu nhau sẽ kết thành quả ngọt. Đáp lại, Giacinta chỉ mỉm cười, ngọt ngào và cay đắng trộn một màu đặc sệt, đong đầy đôi mắt. Bà vuốt má Mathias, nhìn nó đăm đăm rồi khẽ khàng nói lời xin lỗi, rằng đó chính là cha nó, rằng ông ấy chưa bao giờ bỏ rơi họ, rằng chính bà mới là người ích kỉ. Bà biết rõ bọn trẻ cùng lứa đã trêu chọc nó thế nào, đứa không cha, đứa con hoang, thậm chí vì khu vực họ ở mà Mathias còn bị bảo có mẹ hành nghề đĩ điếm. Bà rõ hết nhưng nào biết phải làm gì, trăm miệng người đời đâu thể bịt được. Giacinta từng nói, nói rất nhiều nhưng người ta chỉ nghe thứ họ muốn, thế nên giờ bà lựa chọn phớt lờ hết, sống đúng với chính bà.

– Tại sao lại bỏ đi chứ, Giacinta?

– Ta đã gặp một “vị vua”, Mathias, nhưng lại không thể yên phận bên cạnh ngài. Mathias hãy nhớ, có những cái ghế một khi đã ngồi vào thì dù làm tốt bất cứ điều gì người ta cũng chỉ nhớ về cái ghế ấy thôi.

Một năm sau đó, khi bà dần được tin cậy hơn cũng là lúc nhận được tin ông nó mắc bệnh nặng. Cửa hàng cũng theo đó lung lay. Một trong những học trò còn gầy dựng phe cánh, nhân lúc trăm bề khó khăn mà chiếm lấy miếng bánh béo bở này. Giacinta nhanh chóng trở về Firenze, kèm theo cái thai ba tháng. Chia tay một Verona của những giấc mơ biếc, rời xa những người đã che chở, dạy dỗ bà và tạm biệt người đàn ông vừa ấm áp vừa chói lọi như mặt trời vàng cháy, tất cả, không lời tạ từ.

– Cha ta qua đời không lâu sau đó dù cố gắng chạy chữa cách mấy. Ta phát điên lên, vì hối hận, vì đau đớn, vì giận dữ. Trăm lần giá như cũng chẳng thể thay đổi được hiện thực, cuối cùng chỉ phải chấp nhận hồi kết ấy thôi.

Giacinta lao vào, cố trụ vững cửa hàng bằng mọi giá vì bà biết chỉ có bảo vệ cơ nghiệp gia đình, bà mới có thể thanh thản, chuộc hết những tháng ngày bỏ rơi ông nó trong cô độc. Bà, hai mươi mốt tuổi, non dại và mộng mơ, vẽ ra những viễn cảnh tương lai tươi đẹp dẫu không có kiến thức nào về kinh doanh, điều hành. Tôi sẽ thành công, bà lặp đi lặp lại suốt những ngày tháng đó, nó thành ám thị, vuốt ve dằn vặt chằng chịt trong lòng bà.

Con biết ta đã làm gì không Mathias, bà hỏi nó, thanh âm pha tiếng cười, trào phúng và rền rĩ. Ta giảm giá thành nhưng cũng đồng thời bỏ đi vài bước gia công tốn kém, chọn các loại vải chất lượng thấp và thúc đẩy năng suất nhằm thu lại nhiều lợi nhuận nhất có thể.

Những năm cuối thập niên bảy mươi, đất nước bỏ lại những suy tàn của Thế chiến. Người Ý sau bao thăng trầm vẫn vậy, sống trong khó khăn nhưng ngủ mộng hào hoa, họ vọng về những năm tháng vàng son, lịch lãm nên lại yêu, lại nhớ dù mây đen vẫn chưa dứt bão mưa. Bà vui vì điều đó đem lại rất nhiều khách hàng mới, những kẻ được thỏa mãn thói học đòi trưởng giả, sở hữu những bộ suit rẻ tiền từ cửa hàng danh tiếng mà không cần biết chất lượng của nó.

Ta không nhận ra rằng ta cũng như họ, không biết rằng chính ta đã đánh mất kiêu hãnh và giá trị của bản thân. Bà thì thầm, hơi thở lõng bõng như món súp đêm đó. Những miếng gà nhỏ xíu được đặt hết vào chén súp của nó, nuốt xuống cổ khô khốc, nhạt nhẽo như câu chuyện kia.

Cuối cùng thì tất cả cũng sụp đổ, khi đợt sóng mới qua đi cũng là lúc không còn gì nữa. Những khách hàng quen thuộc đã sớm bỏ đi, chẳng còn hi vọng gì vào thành trì đã mục ruỗng tận mống rễ. Cơ nghiệp trăm năm suy tàn, không phải do sự ra đi của ông nó, cũng không phải do bất kì thế lực bên ngoài nào, tất cả do chính tay bà bóp chúng nát vụn.

Giacinta bảo kể từ đó bà không còn may suit nữa vì bà đã vĩnh viễn mất tư cách đứng ở vị trí đó rồi.

Hãy nhớ Mathias, bà ôm nó vào lòng trong đêm khuya ồn ã, ghì những lời dặn dò vào đầu nó, nhẹ nhàng nhưng kiên quyết. Đành rằng tuổi trẻ là nóng nảy, bồng bột, có thể xem những sai lầm, nông nổi là bài học quý giá hay kỉ niệm đẹp nhưng chắc chắn không phải là thứ đáng tự hào. Hãy nghĩ thật kĩ, đừng vội vàng, đừng mơ mộng, vì đôi khi cái sung sướng tuyệt vời của tự do thanh xuân ấy sẽ làm ta ray rứt cả đời.

Gian phòng tối, đèn lập lòe, ánh sáng bật lên rồi vụt tắt trong đôi mắt bà, như pháo hoa những dịp lễ hội, chóng nở chóng tàn.

~o~oOo~o~

Thời đại thay đổi, người ta cứ nhập nhằng giữa giàu và sang. Giacinta không thích điều đó chút nào cả, bà bảo thứ quan niệm rỗng tuếch ấy làm phai mờ những chuẩn mực của phong cách, thứ chẳng phải vàng bạc lụa là có thể đem đến được. Những ngày tháng tiếp xúc với hào hoa rực rỡ khiến bà không ngừng giữ rịt nó trong lòng. Có thể sống nghèo có thể sống khổ nhưng bà chẳng thể sống khinh được.

Giacinta chưa bao giờ ép nó chuyện học hành, học được thì học, không thì thôi, đam mê cái gì thì theo, miễn là kiên trì và đừng hối tiếc. Với bà, sinh ra nó là ích kỉ bản thân, vì bà mong muốn một tồn tại gần gũi, thân thiết, vì bà sợ sự cô độc nên chẳng có tư cách gì để đục rèn nó theo nguyện vọng, mong ước cá nhân. Bà nuôi nó nhưng nó cũng dưỡng bà, từ trong bóng tối rệu rã đưa Giacinta về với hi vọng.

Nhưng không áp bức cũng không có nghĩa là chiều chuộng. Giacinta yêu cái đẹp, từ hình thức đến ứng xử. Ăn mặc không chỉn chu là xấu, nói tục chửi bậy là xấu, trộm cướp là xấu, những thứ ăn chơi tụ tập là xấu,… Dẫu sao ta cũng là người cày cuốc để nuôi con Mathias ạ, thế giới xinh đẹp của ta, nửa thứ nhơ nhuốc cũng không được phép dây vào. Bà cười, mắt híp môi cong, nó nhìn vào chẳng thấy cơ hội nào từ chối.

Thật sự dù bà có kì quặc cách mấy thì trong suốt cuộc đời Mathias, Giacinta là một tồn tại đặc biệt nhất. Nói yêu nói thương thì chưa bao giờ đủ. Tất cả của bà là lề thói, là hình mẫu mà nó nâng niu, trân trọng, như nước trong lòng đất, ngày ngày len lỏi rồi thấm vào bao giờ không hay. Không có bà sẽ không có nó của nhiều năm sau này, sống một cuộc đời rực rỡ và tùy ý. Không có bà biết đâu nó đã tàn lụi, như những đứa trẻ không lối thoát trong khu ổ chuột. Và không có bà, năm tháng của nó thật cô độc biết bao.

Mathias không giỏi bày tỏ cảm xúc nên bao dịu ngọt này nó chỉ im lặng cất trong lòng.
.
.
.
.
.
Năm nó mười tuổi, bà nhận được công việc chuyên nghiệp đầu tiên, làm trợ lí thiết kế cho một nhà tạo mẫu có tiếng ở Milano. So với trước kia bà càng bận rộn hơn, đồng lương tuy ổn định nhưng ít ỏi, nó thì đang tuổi ăn tuổi lớn. Giacinta lớp phải lao đầu vào guồng máy thời trang khắc nghiệt, lớp phải nhận thêm các công việc phụ để đảm bảo chi tiêu. Nhưng nó hiểu bà hạnh phúc đến đâu, như thể quay về những ngày xuân đẹp đẽ, rạng ngời ánh lên trong đôi mắt. Có thể ngồi đúng vào nơi bà mơ ước, vận lên thanh lịch tương xứng, nó cũng vui thay cho bà.

Mathias xin xỏ được một chân xỏ hột cườm, tuy chẳng kiếm được là bao nhưng nó vẫn tự hào vì đỡ đần ít nhiều cho bà. Hai người họ vẫn ở trong căn phòng chật hẹp nhưng nay đã bớt đi rất nhiều u tối, mỗi ngày đều sáng rỡ, hi vọng cháy trong mắt, đáng ao ước đến độ chẳng màng đến quầng thâm rìa bóng. Nếu những câu chuyện đêm khuya ngày xưa của bà chỉ là vọng tưởng, hướng đến tương lai nhưng cũng buồn bã vì xa vợi thì nay nó lại gần như thế, tưởng chừng giơ tay có thể chạm tới.

Giacinta và nó tươi cười trong cái bể đầy, hạnh phúc lan tràn.

Rồi một năm sau đó bà lại cười, cười trong trập trùng oán thán. Còn Mathias thì khóc, nhớ lại câu chuyện nàng tiên cá, tưởng cận kề hạnh phúc hóa ra tất cả chỉ là bọt biển, thổi phồng rồi vỡ tan.

Giacinta bị nhà tạo mẫu nổi tiếng nọ cướp ý tưởng. Không phải sao y đúc mà chỉ những điểm đặc biệt nhất, toàn bộ tâm sức bao năm của riêng bà. Buồn cười hơn những việc quá mức rõ ràng ấy lại bị người ta trăm phương ngàn kế chối bỏ. Họ từ chối tin tưởng cái con người sáng tạo chói ngời kia thật ra chỉ là tên đạo tặc, chua chát hơn còn công khai ăn cướp giữa ban ngày chẳng hề sợ sệt. Tinh vi thế đó, bà bảo, ai cũng ngu ngốc mà sao y toàn bộ sao? Cắt chỗ này, dặm chỗ kia và hãy để dư luận biến nó thành của mình, gã ta điều khiển mọi thứ để rồi bà từ vị trí nạn nhân thành một ả đàn bà rồ dại, muốn dùng việc này để nổi tiếng. Giacinta ban đầu còn vùng dậy đòi lại công bằng, nhưng thấp cổ bé họng nào có thể làm gì.

Giacinta nói, với nụ cười ướt trượt, rằng đáng lẽ chẳng nên giận dữ, sầu buồn chi cho tốn công. Có tiền, có quyền, có danh đen cũng hoá ra trắng, chốn nào cũng là thiên đường. Trách móc thì thà biến mình thành kẻ có tất cả thì hơn.

Rồi bà đổ sập, bản thân chỉ là cây mảnh bị giò mưa vần vò, sao còn có thể trụ vững. Mọi thứ trong chốc lát biến mất không còn gì.

Mathias vẫn còn ám ảnh hoảng hốt của ngày hôm đó. Nó, sau giờ học, phát hiện bà ngã quỵ bàn may, mặt tái mét, da trắng bệch, toàn thân lạnh lẽo như người sắp chết. Mathias lay bà nhưng chẳng có tiếng đáp lại, im lặng luôn thật ghê tởm nhất vì với nó đó là âm thanh của vứt bỏ, của cô độc, so với bất kì tiếng chửi bới gào thét nào càng kinh khủng hơn.

Nó sợ hãi, nó sợ rằng như những cánh tay từng buông rời họ, đến lúc bà rời xa nó rồi. Nó nghĩ nó ngửi thấy mùi vị của bất hạnh, gần đến ngộp thở, xiềng xích mọi suy nghĩ của nó. Chỉ có hoảng loạn ngự trị, sánh đặc một màu u tối.

Mathias khóc miết, từ nhà đến bệnh viện. Giacinta mắc hàng tá chứng bệnh: suy giảm chức năng gan, viêm loét dạ dày, viêm cơ, tất cả đều do khoảng thời gian lao lực tạo thành. Mỗi từ đều mang theo giông tố, đánh mạnh vào con thuyền lay lắt của bọn họ. Thuyền thủng và bơ vơ, gió mưa dập vùi chẳng hề thấy lối thoát.

Trong thời gian khó khăn ấy họ may mắn nhận được sự giúp đỡ, nhưng thực tế tàn nhẫn tất cả chỉ như muối bỏ bể, ấm lòng nhưng lại không thể lo thân. Những người phụ nữ trong khu xóm nghèo chỉ đỡ đần họ một phần, họ còn cả sóng gió phía trước, sao có thể chịu trách nhiệm thay cho những kẻ thân sơ. Cô gái nhà bên, xinh đẹp duyên dáng, đến thăm bà với ánh nhìn chua chát và nụ cười lạnh tanh. Giacinta và cô nhìn nhau, không nói gì cả tối đó cho đến tận khi nó bị đuổi đi ngủ. Bà và nó nằm tạm bợ ở hành lang đông nghịt, người người lớp lớp ngắc ngoải gà gật, gọi là trông mong nhưng hi vọng đã rã rời hết trong tim họ rồi.

Đến tận lúc hai người họ nghĩ nó đã ngủ, cô gái kia mới cất lời. Mathias lơ mơ, chập chờn trong nồng sốc của thuốc sát trùng, của tanh tưởi mưng mủ, nghe những câu hỏi của cô vào tai, chẳng hiểu sao chỉ thấy đều đều lạnh lẽo. Nuối tiếc và đau đớn chèn chặt xuống đáy, lại hóa thành vô vị.

– Chị sẽ làm gì đây Giacinta? Tình hình này chẳng thể chống cự được lâu. Tương lai chị sẽ tính làm sao?

– Tôi chẳng có tư cách nào để bảo chị vượt qua tất cả một cách trong sạch. Nhưng Giacinta à, trong chốn này, chị là người tất cả trông đợi và ganh ghét. Giờ tôi chẳng biết nên vui hay nên buồn nữa.

Mathias đủ lớn để không ngây thơ nghĩ rồi mọi chuyện sẽ ổn mà không cần trả giá. Có những con đường bước vào sẽ không thể quay trở lại, chân lấm bùn còn ai nghĩ đến chuyện giữ gìn. Nó cũng lờ mờ hay rằng trong năm tháng rối ren, với những kẻ tạm bợ qua ngày như bọn họ, vượt qua thì chỉ có thể chọn làm gì.

Nó nhớ đến loài kiến, chăm chỉ làm việc mong lấp đầy cái ổ bé nhỏ, sống sung túc, đủ đầy. Thế mà chỉ một ngón tay của loài người, trăm thứ vỡ nát.

Mẹ nó có thể là kiến chúa, cao ngạo và tự chủ. Nhưng kiến vẫn chỉ là kiến, vĩnh viễn chỉ nhỏ bé, yếu ớt vậy mà thôi.

Đêm đó trời mưa rả rích, cái lạnh se sắt lên những bóng hình gầy gò. Nó đờ đẫn, quấn chặt tấm chăn ẩm. Móng tay bấu vào da thịt, cố lờ đi tiếng khóc rấm rứt của Giacinta. Bà có thể than vãn, có thể cáu kỉnh giận dữ nhưng chưa bao giờ khóc, vậy mà nay lệ lại hoen bờ mi kia. Những giọt nước mắt trong thinh lặng, so với bất kì lúc nào càng khiến nó đau xót.

Hỡi thánh thần, xin ngài ít nhất hãy bảo vệ tự tôn của mẹ con.

Mathias đã ước thế, suốt đêm trường vì nó biết điều gì là quan trọng nhất trong cuộc đời của bà…
.
.
.
.
.
Bằng một cách nào đó họ đã vượt qua giai đoạn khó khăn một cách nhẹ nhàng. Mọi chuyện đã ổn rồi nên sao con lại trông sầu não thế, Giacinta hỏi nó vậy nhưng bản thân bà cũng nào có vui. Háo hức mỗi khi vượt qua ngọn núi chẳng thấy đâu, chỉ ngơ ngẩn, muộn phiền. Nó biết có chuyện gì đó đã xảy ra nhưng bà không nói, Mathias cũng chẳng thể hỏi được. Đáng lẽ nó nên thấy vui vẻ vì thứ may mắn thần kì đó, mẹ con nó chẳng phải nợ nần, Giacinta cũng không phải bán buôn bất kì thứ gì. Vậy mà Mathias lại rầu rĩ, không biết vì nó có dự cảm Giacinta đã chọn đánh đổi điều đó thật quý giá hay vì lần đầu mới thấy họ bỗng nhiên xa cách nhau đến thế.

Bão tố ngày đó tạo thành vết nứt trong lòng Giacinta, nhìn mặt ngoài thì nhỏ thôi nhưng sâu vời vợi.

Thời gian qua, bà dần đứng vững được trên đôi chân của mình, đạt được những điều bà hằng khao khát. Giacinta có tài năng và luôn làm việc như thể ngày mai là ngày cuối cùng, bao nhiêu ấy chẳng xứng đáng với thành công của bà sao? Cuộc đời vốn bất công, thiếu một chút may mắn có thể hỏng chuyện nhưng vì thế mà đổ lỗi, buông xuôi thì sẽ chẳng gặt hái được gì, nỗ lực và tài năng nhất định sẽ thành công, không sớm thì muộn, Giacinta dùng tuổi trẻ của mình chứng tỏ và Mathias xem đó như phương châm cả đời.

Bà trở thành giám đốc sáng tạo sau khi góp phần vực dậy hãng thời trang đang bên bờ vực sáng tạo đó. Hai người họ dọn khỏi khu xóm nghèo, chuyển đến những ngôi nhà khang trang hơn, sống cuộc đời đủ đầy hơn. Theo thời gian, đau đáu của bà cũng phai nhạt, trở về với cao ngạo, tự tin vốn có. Vì bi kịch hóa là già nua, buồn bã thì giết tuổi trẻ, Giacinta muốn sống mãi trong thanh xuân nồng cháy và tươi trong, tuổi tác chỉ pha thêm cẩn trọng, giúp cho những ngày tháng ấy thêm đẹp đẽ.

– Hãy nhớ Mathias, tuổi già sẽ đến nhưng thanh xuân thì còn mãi, nó không bỏ rơi ta chỉ có ta buông tay nó mà thôi.

Bà ngồi ở ban công rực nắng, tóc búi cao, liên tay vẽ ra những ý tưởng. Nét cười mảnh trên môi gầy, mắt biếc, nền nã và sắc sảo. Người con gái đẹp nhất khi họ nhận ra điểm mạnh và nâng niu nó, bao hao gầy phai nhạt dần, để xuân thì về lại với Giacinta. Nhìn bà như vậy, khái niệm thanh xuân vĩnh cửu dần hình thành trong tâm trí non nớt của nó, bền vững dần rồi bám rễ vĩnh viễn.

Một ngày, người cha bí ẩn mà nó hằng mơ mộng qua những lời kể của Giacinta xuất hiện, giải đáp khúc mắc ngày đó. Học trò của ông đến, xin phép bà cho ông gặp hai mẹ con họ, lần cuối. Nó đã hằng nghĩ mình sẽ chẳng bao giờ gặp mặt người đó, hoặc giả như có cũng chỉ lướt qua nhau xa lạ, vì tồn tại của nó là mong muốn riêng tư của mình bà và ông thì chưa bao giờ tìm đến. Vậy mà…

Này Mathias con có muốn gặp ông ấy không, bà hỏi. Ông ta chưa bao giờ nuôi dưỡng con và ta thì chỉ sinh con vì lợi ích cá nhân, chẳng có ai trong hai chúng ta được quyền ép buộc con cả. Thế con còn muốn đi không? Giacinta lúc đó bình tĩnh đến độ cẩn trọng. Có tầng băng mỏng và bà đi trên đó, dè dặt từng bước. Nhìn bà thế nó chỉ có thể gật đầu đồng ý dù lòng chẳng rõ mình muốn điều gì.

Ông là một chính trị gia đã về hưu, hiện cư ngụ ở Sicillia, trong một dinh thự lớn ở ngọn đồi cao vọng về phía biển. Những bức tường đá trắng ngà và những cánh cửa rộng, hương biển, hương nắng cháy và cây cỏ ngập tràn, xông vào từng ngóc ngách, thoáng đãng mùi vị của tự do. Đơn giản nhưng tinh tế, rắn chắc nhưng êm dịu, sau này nhìn lại mà nói, người cũng như nơi, ông luôn là tự hào của nó dù chỉ gặp gỡ thoáng qua.

– Ung thư gan giai đoạn cuối và từ chối tất cả biện pháp chữa trị. Thầy bây giờ sống chết chỉ tùy thời thôi.

Người kia dẫn họ đến ban công tầng một, qua tấm rèm trong suốt nhìn thấy hình ảnh gầy gò của ông, thảnh thơi hưởng nắng gió của vùng đảo xanh. Thấy nó ông mỉm môi, thân xác rệu rã, sắc mặt xanh xao nhưng nét cười vẫn nồng đượm, tinh tường như những gì Giacinta kể. Ông vuốt mái tóc bạc trắng lơ thơ, chỉnh chỉnh sửa sửa rồi vẫy tay gọi nó đến gần. Giacinta đẩy nhẹ nó đi nhưng bà lại không tiến lên bước nào. Rồi suốt những tuần sau đó, bà vẫn cứ vậy, đứng cách một bức tường, một khoảng sân, một tấm vải mành, lặng lẽ quan sát hai người họ. Tảng băng dưới đáy mắt vỡ vụn dần, nước lộ ra, lạnh ngắt.

Ông không còn có thể vận động nhiều, thường xuyên phải dùng đủ loại thuốc. Cơn đau thường xuyên hơn theo từng ngày, hành hạ, cáu xé tấm thân tàn.

– Thật đáng tiếc ta gọi con đến đây nhưng lại không thể chơi đùa với con được. Xin lỗi con.

Vậy hãy kể chuyện cho con nghe đi, nó tựa vào ghế dựa của ông nói. Chắc rằng có thứ gọi là liên kết máu mủ thật, họ chỉ mới gặp nhau nhưng Mathias thấy thật thân thiết. Nó chẳng ghét hay giận ông vì đó là sự lựa chọn của Giacinta, nó cũng đã sống một tuổi thơ hạnh phúc, thế thì có gì mà hờn mà trách?

Ông kể nhiều, về một thế giới gần gũi và cũng xa lạ với nó. Về nước Ý máu chảy, người ta hằng ngày châm biếm chính quyền, ca thán tệ nạn nhưng rồi lại xem vùng đất này là xinh đẹp nhất. Về người bạn Á Đông chẳng khác gì mặt trời của ông, sống trọn cuộc đời bỏng cháy nơi lục địa đen xa xăm, tự do và kiêu hãnh. Về cậu học trò người Nam Ý, qua bao thất vọng và vùi dập vẫn giữ vững niềm tin và khát vọng thay đổi đất nước. Và về một người con gái sống hoang dại như cỏ nhưng vẫn nền nã hơn bất kì loài hoa đài các nào.

– So với bất kì ai trong số họ ta quả là một kẻ thất bại, vùi chôn chính nguyện ước của mình mà không chút hối hận.

Mathias lúc đó nghĩ nụ cười của ông thật kì quặc, kể chuyện buồn mà chẳng vương chút đau thương, nói câu vui mà cũng không khoái trá. Nhưng chính sắc thái an tĩnh, điềm đạm kia lại là vòng xoáy hút sâu xúc cảm người đối diện, khiến người ta bất giác vui buồn thay ông.

Giacinta từng bảo người đàn ông ấy có nhiều anh em, bạn bè, tri kỉ nhưng lại quá mức cô độc. Thứ đơn côi ông không hề mong muốn, bao bọc lấy rồi đặt ông vào một thế giới tách biệt. Mong muốn hòa mình cứ bị từng rẽ ngả đẩy đi.

Mathias con biết không, ta yêu còn là người đàn ông cô độc đến tận cùng ấy nữa đấy.

Đến giữa tuần thứ ba, ông không thể đi lại. Tiểu tiện cũng ngày càng khó khăn. Căn bệnh ngày càng nặng, ông hôn mê nhiều hơn tỉnh táo. Tình trạng này ai cũng đoán được, chuyện sớm muộn mà thôi. Một ngày nọ khi ông đã khỏe, hi vọng được gặp nó thì Giacinta bỗng nhiên muốn đi cùng. Bà vận một chiếc váy trắng thanh lịch, tóc thả dài và trang điểm nhẹ nhàng, trông trẻ đi đến tận mấy tuổi.

Thấy bà như vậy, ông khẽ cười. Nắng loang loáng qua đôi mắt đục, ánh lên vẻ dịu dàng và ngọt ngào. Bà quỳ xuống bên ghế, để ông vuốt ve mái tóc, gương mặt và bờ vai. Như thể chưa bao giờ có nhiều năm xa cách giữa họ, chưa có cuộc chia tay chóng vánh nào, ông yêu bà và bà yêu ông, đơn giản vậy thôi. Giacinta bên cạnh cha nó rũ bỏ cái vẻ cứng rắn, từng trải, đáng yêu như một cô gái xuân thì, ngây thơ tựa đứa trẻ non nớt. Ngưỡng vọng, yêu quý lấp lánh trên mắt biếc môi mảnh, lan tràn.

– Thật đáng tiếc từ dạo ấy em đã không còn may suit nữa. Tôi vẫn còn nhớ sản phẩm hoàn thiện đầu tiên của em, lịch lãm mà vẫn tươi mới. Lúc ấy tôi biết mình đã trao cơ hội đúng rồi.

Câu chuyện về khúc mắc năm xưa được hé lộ. Giacinta bảo lúc ấy bà suy nghĩ nhiều lắm, cuộc sống đâu thể lúc nào cũng cao ngạo, cúi đầu đã là gì nếu sánh bằng ước vọng, bằng tương lai. Nhưng bà cũng không chấp nhận đánh đổi trong sạch của mình, vậy cũng chẳng đáng. Bà đến cầu xin ông, dù xấu hổ và lo sợ, rằng tốt đẹp và kiên định năm xưa của mình đã mất và người đàn ông bà trân trọng sẽ bỏ rơi bà.

Lần ấy ông gửi số tiền vừa đủ cho bà chỉ sau một lá thư cầu xin. Ông không yêu cầu gặp mặt cũng chẳng bắt bà giải thích quá nhiều. Bà nói với vẻ tự hào, rằng cha của nó là người tinh tế vậy ấy, ông giải quyết mọi thứ sòng phẳng, Giacinta chỉ như đang vay một món nợ, nỗ lực và tự tôn của bà vẫn còn đó, không sứt mẻ gì.

Giacinta thỉnh thoảng hôn ông, không phải nụ hôn nồng thắm lên môi, lên má. Bà cầm bàn tay nhăn nheo gầy trơ ấy và chạm môi thật nhẹ nhàng, thành kính. Những lúc ấy trông ông như cột trụ của thế giới riêng bà, chỉ là một phần nhưng thiếu nó, tất cả sẽ lung lay, đổ sập.

– Đã mười lăm năm rồi, day dứt vẫn đậm thế sao Giacinta? Em dùng mười lăm năm để hối lỗi, sẹo còn đó đáng ra cũng nên mờ, nếu sâu hoắm cũng chỉ là vì chính em không tha thứ cho bản thân thôi.

Ông cũng như Giacinta, chưa bao giờ nghĩ Mathias là trẻ nhỏ mà giấu diếm nó điều gì. Hoặc giả như ông nghĩ chứng kiến của nó là thêm một vòng trói chặt, buộc Giacinta phải đối diện với thứ bà luôn trốn tránh.

– Thành tâm như vậy, cha và tổ tiên của em cũng đã tha thứ rồi, người già ấy, chóng quên lắm.

Này Giacinta, ta muốn bộ suit cuối cùng mình vận là của em, có được không? Ta là người trao cho em cơ hội hãy để ta trao em luôn cả sự tha thứ. Ông nắm hời tay bà, mắt nhắm nghiền nói vu vơ, rằng ông chẳng làm gì được cho những chiến hữu, cho người bạn chốn xa xăm và cho người học trò kề cận. Thế nên chí ít, hãy để ông giải thoát cho bà.

Giacinta không đáp lại, chỉ áp tay ông lên mắt mình. Có gì đó len qua từng kẽ tay, ướt đẫm.

~o~oOo~o~

Giacinta bắt đầu tập trung may bộ suit cuối cùng cho ông. Nói thì dễ làm mới khó, ngoài chuyện đã quá lâu để bà có thể tự tin bắt đầu lại thì việc đo đạc, cân đối các chi tiết để phù hợp hình thể cũng khó khăn do ông không dễ dàng di chuyển được.

Nhưng ta sẽ làm được, bà nói, kiên định hiện rõ trên nét mặt, vì đó là nguyện vọng duy nhất mà bà có thể thực hiện được cho ông. Nó nghĩ thật kì lạ, mười lăm năm chẳng hề gặp nhau, ngay cả khi bà gửi lời cầu xin, vậy mà giữa họ vẫn chẳng hề thay đổi. Sau này Mathias mới hiểu rằng chẳng phải cứ bên nhau từng phút từng giây là yêu là thương. Có những mối quan hệ như thế, yêu nhau nhiều cũng hiểu nhau nhiều nên càng không thể bước chân vào cuộc sống của người kia. Đó không phải sự chia ly mà là tôn trọng, rằng người kia sẽ sống tốt với lựa chọn của mình, rằng họ có nhau trong kí ức dù chia cách bằng bất cứ điều gì.

… Kể cả cái chết.
.
.
.
.
.
Ông ra đi ngay ngày bà hoàn thành công trình của mình, chỉ kịp vận bộ suit lên người rồi ra đi vĩnh viễn. Mắt nhắm nghiền và môi mỉm cười mãn nguyện. Mathias ngồi thu lu ở góc xó, nó không buồn mà phải không? Đó chỉ là người đàn ông nó mới gặp, kể đôi ba câu chuyện chẳng cuối chẳng đầu, ngay cả tâm tình, hỏi thăm cũng chưa bao giờ có. Nghĩ vậy nhưng Mathias lại khóc, nước mắt cứ chảy miết và tiếng “cha” lớn dần, rền rĩ cùng âm thanh nấc nghẹn.

Giacinta cúi người chỉnh trang lại quần áo ông. Bộ đồ màu đỏ đun, chemise trắng ngả xanh rất nhạt và cravate hoa văn nâu kem, màu sắc che mờ tiều tụy, bệch bạc. Tất cả thẳng thớm và vừa vặn, che đi những khuyết điểm hình thể, chừa lại chỉ là nghiêm cẩn và lịch lãm, của người đàn ông Ý sống một đời oai hùng và rực rỡ.

Ngày đưa tang Giacinta không khóc, bà vùi mình vào đám đông lặng lẽ, bàn tay run run nắm lấy tay nó, siết chặt. Nét mặt bình thản, trang điểm kĩ càng nhưng khi kết hợp với sắc màu đen đúa trông lại thật tiêu điều. Bà cầm một bó diên vĩ tím xanh nhưng không hề thả xuống, đứng một góc lặng lẽ nhìn người ta đưa ông xuống bảy tấc đất.

Khi mọi người rời đi cả, chỉ còn nó và bà, Giacinta mới cài những nhành diên vĩ lên lớp đất mới. Dưới vàng rượm của ngày xuân xanh, những đóa hoa tím biếc nở rộ, cánh như bệ đài, dù chân chôn trong đất vẫn bừng lên vẻ đài các và tự tại. Nó chợt nhớ đến lời của ông, rằng khi ông đôi mươi, bao cũng nghĩ tự do là có thể bay nhảy cùng trời cuối đất. Nhưng nay lại thấy chẳng gì trói buộc được bản thân dù thân xác chờ chết trên giường tàn và đôi chân chẳng thể nhấc lên được nữa.

Nó lại khóc, nhìn bà đặt môi nồng lên tấm bia mộ lạnh buốt, yêu thương và thành kính. Rồi bà thủ thỉ, với ngữ điệu chắc chắn, rằng chúng ta sẽ gặp lại nhau thôi, ở một nơi nào đó, trong một cuộc đời nào đó.

~o~oOo~o~

Bảy năm sau đó, Giacinta mua lại căn nhà trên đồi ở Sicillia. Thỉnh thoảng bà lại tạt ngang viếng ngôi mộ tím ngắt màu diên vĩ, ngồi ấy hằng giờ cùng trà cùng bánh, trò chuyện tự nhiên với người tri kỉ yêu thương, như thể chưa có một sự tồn tại đã phai phôi. Công việc khiến nó phải thường xuyên di chuyển, ít có thời gian ở cạnh bà. Giacinta bảo không sao cả, đừng lo làm gì nữa. Bà nay là người phụ nữ thành đạt, hình mẫu của bao người phụ nữ trong thời đại chuyển giao. Khi nữ quyền dần được coi trọng, sự nghiệp của bà thành một biểu tượng to lớn, của đấu tranh, của cố gắng. Khoảng trống xung quanh bà được lấp đầy dần, bởi ngưỡng mộ, yêu quý, ước vọng và cả ganh tị. Thế nên bà nói chẳng cần nó nữa, hãy rời đi và làm thứ nó muốn.

Nói vậy nhưng Mathias còn không rõ bà sao, cái bể bên trong càng lấp đầy càng trống rỗng. Bà yêu đời, bà lạc quan, bà rạng rỡ nhưng bà cũng cô đơn. Giacinta chỉ là muốn thả nó đi, chẳng phải bị kềm cặp bởi thứ bà gọi là “ích kỉ”.

Thời gian đó, áp lực công việc cùng di chứng của những căn bệnh năm xưa khiến bà mất ngủ. Nếu cứ vậy bà sẽ không còn sức chống đỡ bất cứ thứ gì nên Giacinta bèn tìm đến với thuốc ngủ. Mathias tất nhiên không đồng ý nhưng cũng khó có thể bớt thời gian để theo bà. Lúc đấy, công việc của Mathias buộc nó phải đối diện với rất nhiều nguy cơ, vấn đề nên nó tạm phải rời đi một thời gian dù không yên tâm chút nào.

– Đi đi Mathias, khi trở về chúng ta sẽ cùng đi nhé, như bây giờ. Rong ruổi đủ rồi cũng nên vui chơi, hưởng thụ thôi.

Lần cuối nó gặp Giacinta là khi cả hai đi du lịch, bà ngồi trên ghế đá, đối diện với cửa hàng suit năm xưa của gia đình, hoàn thành bộ sưu tập để đời. Tóc nâu nay đã điểm bạc, nếp nhăn thấp thoáng khóe mắt khóe môi, nhìn vậy nó mới nhận ra thời gian đã vụt đi nhanh đến thế, trôi qua rồi cứ nghĩ là cái chớp mắt, ai ngờ một lúc mà chục năm.

– Ta đã có một giấc mơ đẹp Mathias ạ. Ta thấy ông con, rồi những người đã từng bên ta và rồi cả ngài ấy, tất cả đứng giữa một cánh đồng bạt ngàn rực nắng. Họ cười với ta rồi vẫy tay gọi. Tự nhiên ta thấy vui, chúng ta nhất định sẽ gặp lại nhau phải không? Ở một nơi nào đó, dù bao lâu bao xa.

Bà cười, trong veo như nắng vàng trên biển biếc, rạng rỡ như hừng đông phủ núi đồi. Thời gian chỉ đẩy lùi đi tuổi trẻ, còn nồng cháy thanh xuân lưu lại mãi mãi.
.
.
.
.
.
Bà ra đi do dùng quá liều thuốc ngủ, nửa tháng sau lần cuối họ gặp nhau. Mathias nghe tin, ngồi thừ ra suốt ba ngày, chẳng nghĩ được gì. Bi thương, đau đớn hay những thứ tương tự không hề tồn tại, rỗng tuếch. Đôi khi trong cơn mơ, nó chẳng nhớ rõ bà ở nơi nào nữa rồi lại quày quả kiếm tìm, Giacinta Giacinta, chúng ta sẽ đi đâu đây? Ở đâu cũng được, chỉ cần bà bên nó, ở đâu cũng được cả.

Mơ chỉ mãi là mơ, những ngày tháng nó cùng bà rong ruổi, qua tuổi trẻ, qua xuân thì thật rực rỡ nên khi thức giấc lại càng điên cuồng. Bà rời đi, vĩnh viễn, nhưng bọn họ lại không tha cho bà. Miệng lưỡi người đời, những thứ đã dồn bọn họ đến đường cùng nay lại trồi lên vùi dập một cách hỉ hả. Thuốc ngủ à? Thế đương nhiên là tự sát rồi, còn lí do gì nữa chứ? Này thì trầm uất do tình duyên lỡ làng, này thì lo sợ bị đào thải, này thì ganh tức, giận dữ. Họ đội lên cái mặt nạ thương tiếc sự ra đi của một tài năng cống hiến để rồi đào sục cuộc đời bà như thể một tội phạm cần điều tra. Quá khứ, những mối quan hệ, những cảm xúc, bọn họ xé toạc ra bàn tán, dò đoán cho thỏa sự tò mò, hả hê. Người dù sao đã chết mà phải không, muốn nói gì thì nói, nào phải dè dặt làm gì.

Mathias phát rồ lên, đã có lúc nó muốn phá nát hết bọn họ, chửi bới, kiện tụng thậm chí bí mật xử lí tất cả. Họ có quyền gì trong cuộc đời của bà? Chẳng ngó ngàng, chẳng giúp sức và chỉ tâng bốc khi bà leo lên đến đỉnh với vết thương đầy người rồi giờ lại nghĩ họ được phép phán xét Giacinta. Họ hiểu được bao nhiêu về người phụ nữ sống trân trọng từng khoảng khắc cuộc đời, nồng cháy mà chậm rãi, muốn nuốt từng khoảng khắc để không bao giờ phải hối tiếc.

Người phụ nữ nó yêu quý, coi như là trời là đất là cả thể giới. Vậy mà họ lại vùi dập tất cả đời bà chỉ bằng cái chết.

Chửi rủa, giận dữ, oán thán rồi nó lại sống đỡ đẫn, vì Mathias nhận ra rằng người tồi tệ nhất chính là nó. Cái người ruồng rẫy bà đầu tiên, kẻ buông tay người phụ nữ ấy lại chính là nó, không phải ai khác. Chính Mathias, để mặc bà với say mê thanh xuân, để rồi nó yêu quý Giacinta đến mức chẳng để bà quay lại nữa.

Nó tạm xin nghỉ rồi biến mất một thời gian, cầm những tác phẩm của bà, cố dùng hết tài mọn để hoàn thành chúng. Nó đi du lịch dọc hết đất nước hình chiếc ủng, lần đầu tiên nghiêm túc cảm nhận về vùng đất đã nuôi dưỡng nên tâm hồn bà. Vùng đất sống dậy từ nắm tro tàn của một đế chế rực rỡ, đất nước dù người ta oán thán, trách hờn nhưng chẳng thể bỏ rơi, đất nước mỗi con người đều sống bất cần, hoang dại nhưng lại chẳng thể từ bỏ gia đình. Và trên hết, vùng đất tạo nên thanh xuân của riêng Giacinta, thứ thanh xuân vĩnh cửu.

Một năm sau nó trở về, mở một buổi trình diễn những tác phẩm cuối cùng của bà, lấy tựa đề là “Controvento”. Ngược chiều gió, ngược lại những định kiến sai lầm đã dồn ép cuộc đời bao người. Nhưng chống đối vẫn có thể tận hưởng, thứ cảm giác gió phả mạnh lên mặt, lên thân, mát rượi và tự do, chẳng phải thật tuyệt vời sao? Tất cả vọn vẹn trong một chữ.

Dù tham gia hoàn toàn vào tất cả các khâu nhưng giờ phút đó, khi từng người mẫu sải bước ra sàn diễn nó vẫn không thể ngừng choáng ngợp, bởi màu sắc tầng tầng lớp lớp, sặc sỡ nhưng hài hòa, bởi những đường cắt mạnh mẽ nhưng tinh tế. Nó thấy Milano từng ngóc ngách hoa lệ, thấy Firenze vàng rượm trên đồng xanh đồi mát, thấy Verona của những ngày nhạt an nhiên và Sicillia nồng nàn đến rực cháy. Tất cả hiện rõ trên váy áo, complet, thứ thanh xuân mà bà giữ gìn, thứ thanh xuân bà tự hào.

Nhưng tác phẩm cuối cùng lại khác, bỏ qua những sắc màu ươm đầy, trở về với sắc trắng tinh thuần. Chiếc váy ôm lấy thân hình người mẫu, thân thêu hoa nổi, điểm voan trong suốt ngay bờ vai, cánh tay. Dù phá cách nhưng chẳng hiểu sao nó vẫn liên tưởng đến một chiếc váy cưới, nền nã và quyến rũ, e ấp nhưng rạng ngời.

Rồi người người đứng dậy vỗ tay, họ hát lên những lời ngợi khen có cánh, họ dùng mọi thứ ngôn ngữ kể cả hình thể để thể hiện sự thích thú, trân trọng.

Còn Mathias chỉ sững người. Khi người mẫu đi hết đoạn đường, ánh sáng rọi thẳng vào điểm cuối. Mặt cô lạnh lẽo nhưng bỗng nhiên giây phút ấy lại ánh lên vẻ hạnh phúc lạ kì. Nó biết mình mơ nhưng lại từ chối tỉnh dậy, vì nó thấy bà, nhập nhèm với hình ảnh cô gái kia rồi trùng thành một. Tóc xoăn xõa dài và váy trắng tinh tươm, trè trung và rạng rỡ, mỉm cười bảo với nó cám ơn và hẹn gặp lại.

Mathias khóc, nước mắt ràn rụa mãi không ngừng. Nó hoàn thành một dấu phẩy tuyệt đẹp để thanh xuân của bà ngơi nghỉ. Nhưng dấu phẩy không phải kết thúc, cũng như xuân thì sẽ luôn tiếp diễn, chỉ cần người ta biết sống say mê và tận hưởng, điều quý giá ấy sẽ không bao giờ kết thúc.
.
.
.
Rồi một ngày nào đó chúng ta sẽ gặp lại nhau. Lúc ấy, hãy vẫn để con làm con của mẹ nhé, Giacinta.

[End]
Ghi chú:
Câu chuyện này tôi viết cũng lâu lắm rồi, từ tận 2015 nhưng giờ xếp lại wordpress mới nhớ vẫn chưa đăng em nó lẫn Glamour… vì lười. Controvento có nghĩa là “Ngược chiều gió” trong tiếng Ý, cũng là tựa ca khúc của Arisa – ca khúc tạo cảm hứng cho truyện ngắn này. Thật ra nghe ca khúc này hi vọng các bạn không nghĩ đây là một câu chuyện buồn, cảm xúc khi viết nó cũng như bài hát vậy. Có những nốt trầm, có những nhịp chậm nhưng sẽ có phân đoạn nhanh và tươi vui, rạng rỡ.
Như Giacinta vậy á.

Bình luận về bài viết này